Một vấn đề muôn thuở trong các gia đình Việt chính là mẹ chồng và con dâu không hòa hợp bởi những nguyên nhân cốt lõi là sự khác biệt giữa quan điểm của hai thế hệ lẫn tính cách cứng nhắc của mẹ chồng và lối cư xử vụng về của nàng dâu.
1.Nguyên nhân khiến mẹ chồng và con dâu không hòa hợp
1.1 Khác nhau về quan điểm xưa và nay
Thời đại phát triển nên nhiều sự hội nhập và thay đổi về lối sống cũng như quan điểm, mẹ chồng và nàng dâu thuộc hai thế hệ khác nhau nên có quan điểm và tư tưởng khác nhau. Với mẹ chồng thì phụ nữ phải chăm lo, quán xuyến gia đình còn đàn ông thì tạo dựng sự nghiệp, thu nhập. Nhưng với những nàng dâu hiện đại thì xã hội phát triển, phụ nữ và đàn ông bình đẳng với nhau nên công việc cũng cần được chia đều công bằng cho nhau. Đàn ông cũng cần phải tham gia những công việc nhà như bếp núc, dọn dẹp…
Chính những điều này gây ra nguồn cơn giữa mẹ chồng và con dâu không hòa hợp bởi với mẹ chồng thì đàn ông không được phép làm mấy việc bếp núc, dọn dẹp vì đấy là việc của phụ nữ. Còn với con dâu thì cũng tạo sự nghiệp, tự chủ về tài chính giống như đàn ông nên không thể chịu nhường nhịn sự bất bình đẳng, cần sự công bằng. Vì thế những mâu thuẫn của mẹ chồng và con dâu mới xảy ra do sự khác nhau về quan điểm.
1.2 Mẹ chồng không hài lòng về con dâu
Thời đại xưa thì “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, còn thời bây giờ thì tự do yêu đương nên người mẹ chồng sẽ đa số không thường hài lòng về nàng dâu bởi vì không phải do bản thân của mình chọn lựa. Nên mẹ chồng thường có những thái độ khó chịu ngay từ ban đầu nếu con dâu không đáp ứng được những tiêu chuẩn và sẽ luôn chú ý đến những thiếu xót của con dâu.
Thực tế thì kể cả khi con dâu có nhiều điểm mạnh như giỏi giang, tháo vát, sự nghiệp rực rỡ… thì mẹ chồng ban đầu vẫn sẽ luôn tìm ra những điểm chưa hoàn thiện để chỉ trích và phàn nàn.
1.3 Can thiệp quá sâu vào gia đình con cái
Một nguyên nhân hết sức phổ biến khiến mẹ chồng và con dâu không hòa hợp là do mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống của gia đình con. Ngay từ khi chuẩn bị kết hôn thì mẹ chồng thường đưa ra quyết định các vấn đề như kế hoạch hôn lễ, quản lý tài chính hay kế hoạch sinh em bé… khiến con dâu đã có sự khó chịu, mệt mỏi.
Vẫn biết rằng đó là sự quan tâm của mẹ chồng nhưng khi mẹ chồng đã can thiệp quá sâu đến cuộc sống của con cái thì khiến con cái thấy ngột ngạt và dần đẩy mâu thuẫn thêm cho mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu.
1.4 Sự khác biệt trong phương pháp chăm sóc nuôi dạy trẻ con
Khi có thêm thành viên nhỏ tuổi sẽ giống như việc gia đình bị xáo trộn lên và mâu thuẫn của mẹ chồng và con dâu bắt đầu sẽ bùng nổ vì sự khác biệt rõ rệt trong cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ nhỏ. Với mẹ chồng thì thường nuôi dạy trẻ nhỏ dựa trên kinh nghiệm xưa cũ và quan niệm dân gian nhưng với con dâu thì hiện nay chăm sóc nuôi con trẻ dựa trên khoa học, những quan niệm dân gian là lạc hậu, lỗi thời.
Ở thời đại mới, phụ nữ có nhiều áp lực cuộc sống nên giai đoạn sau sinh thì bản thân nàng dâu dễ nhạy cảm, đôi khi còn có bệnh “trầm cảm sau sinh” nên nếu mẹ chồng có ý kiến hoặc phàn nàn thì sự thì dễ sinh ra cáu giận, stress khiến mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu trở lên gay gắt.
1.5 Chồng (con trai) không khéo léo cư xử
Người chồng (con trai) trong gia đình có vai trò là cầu nối giúp mẹ chồng và con dâu thấu hiểu nhau hơn, gắn kết hơn nhưng nếu người chồng không cư xử khéo léo thì cũng khiến mẹ chồng và nàng dâu không hòa hợp, mâu thuẫn, tranh cãi. Trong mọi cuộc tranh cãi giữa mẹ chồng và con dâu thì con trai luôn phải là người đứng ra hòa giải hai bên, đôi khi gay gắt còn buộc phải chọn lựa giữa mẹ và vợ. Thực tế, đa số người đàn ông thiếu trách nhiệm với gia đình, không biết chia sẻ việc nhà với vợ lại hay nghe lời mẹ… khiến cho mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu không hòa hợp.
Chồng (con trai) không khéo cư xử
2. Làm sao để mẹ chồng và con dâu hòa hợp
Người ta thường nói mâu thuẫn ở đâu, thì chúng ta giải quyết tại đó. Mẹ chồng và con dâu không hòa hợp, mâu thuẫn thì cần giải quyết từ phía mẹ chồng, nàng dâu và thêm người chồng (con trai) là người đứng ra phân xử thì cũng cần sự khéo léo tác động hòa giải cho mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu.
2.1 Từ phía con dâu
Nàng dâu với hành trang bước đến nhà chồng thì cũng nên chuẩn bị tâm lý, hoàn thiện cho bản thân về những việc như nữ công gia chánh để có thêm kỹ năng trước tiên phục vụ bản thân, tiếp sau sẽ chăm sóc tốt hơn cho gia đình. Kết hôn là có thêm người bạn đời – chồng thì có thêm người lắng nghe và chia sẻ. Nếu có mâu thuẫn với mẹ chồng thì phụ nữ nên chia sẻ với chồng, hoặc thông qua chồng thì con dâu cũng có thể hiểu hơn về tính cách, tâm lý của mẹ chồng để có thể cư xử sao cho phù hợp.
Các cụ có câu “dâu là con, rể là khách” thì con dâu được coi như con cái trong nhà nên cần có sự kính trọng với cha mẹ nên khi mẹ chồng có ý kiến, phàn nàn gì thì con dâu cũng nên lễ phép, nhẹ nhàng nói chuyện thay vì thẳng thắn bác bỏ lại ý kiến của mẹ chồng.
Với con dâu thì mẹ chồng khác mẹ đẻ nên không thể đòi hỏi việc mẹ chồng thương yêu như mẹ đẻ nhưng con dâu thì cũng cần tôn trọng, giữ thái độ đúng mực và quan tâm đến mẹ chồng, nếu có mâu thuẫn thì nên cố gắng hòa giải, tháo gỡ để gia đình luôn yên ấm, hạnh phúc.
2.2 Từ phía mẹ chồng
Ngoài hướng giải quyết từ con dâu thì mẹ chồng cũng cần phải nhìn nhận lại vấn đề để có thể hòa giải mâu thuẫn. Mỗi thời đại sẽ mỗi khác nhau nên người làm bậc cha mẹ cũng cần có sự thay đổi về quan niệm cũng không nên áp đặt con cái mà chỉ nên đưa ra lời khuyên với con cái.
Cha mẹ thì cũng chỉ là cha mẹ, khi đã dựng vợ, gả chồng cho con cái thì người đồng hành con của mình là vợ – chồng suốt cả cuộc đời. Do vậy, mẹ chồng nên học cách chấp nhận con cái có gia đình riêng, tránh can thiệp vào cuộc sống riêng tư của con. Với con cái thì là bề trên, mẹ chồng cũng không nên thể hiện thái độ cay nghiệt, độc đoán khiến con cái ghét bỏ, xa rời bố mẹ hơn, ngại chia sẻ những vấn đề xảy ra trong cuộc sống.
Cho nên, mẹ chồng nên thay đổi thái độ, chấp nhận thấu hiểu hơn về thế mới bây giờ, nên bao dung, tha thứ cho những thiếu sót của nàng dâu từ đó xây dựng nên mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu hòa hợp, giúp hôn nhân của con cái bền vững.
2.3 Từ phía chồng (con trai)
Người chồng (con trai) trong mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu rất quan trọng bởi mẹ chồng, con dâu có thấu hiểu nhau hay không do cách cư xử của người chồng hay sự khéo léo dàn xếp xử lý những bất hòa của mẹ chồng và con dâu. Người chồng tâm lý có thể thường xuyên quan tâm chia sẻ với mẹ về những sự cố gắng, thành ý của người con dâu giúp mẹ có những thiện cảm và thấu hiểu hơn cho người vợ của mình. Đối với người vợ thì người chồng cũng nên quan tâm, chăm sóc và yêu thương vợ, khéo léo tâm sự nói chuyện giúp vợ phần nào hiểu tâm lý của mẹ chồng, đưa ra những phương án giải quyết hay cách ứng xử giúp người vợ thêm khéo léo hơn.
Tóm lại thì người chồng chính là cầu nối giúp mẹ chồng và nàng dâu thấu hiểu nhau, giúp giải quyết những mâu thuẫn tránh để xảy ra những tình huống gay gắt và đáng tiếc.
Mẹ chồng, con dâu và con trai cùng thay đổi
Mối quan hệ mẹ chồng và con dâu luôn là đề tài muôn thuở không bao giờ cũ vì ở thời đại nào cũng sẽ phát sinh ra những xung đột. Nên muốn mẹ chồng và con dâu hòa hợp để duy trì Tình yêu – Gia đình thì bản thân của mỗi con người đều cần có sự thay đổi để thấu hiểu thêm cho đối phương.
Nguồn: https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-me-chong-va-nang-dau-kho-hoa-hop-voi-nhau-d33901.html