Năm 2024 sẽ là một năm quan trọng đối với giáo viên trên cả nước khi áp dụng chính sách cải cách tiền lương.
Lương giáo viên năm 2024 trước và sau cải cách
Năm 2024 sẽ là một năm quan trọng đối với giáo viên trên cả nước khi áp dụng chính sách cải cách tiền lương. Theo thông tin chia sẻ Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến chính sách cải cách tiền lương sẽ bắt đầu vào ngày 1/7.
Như vậy, sẽ có 2 mốc thời gian giáo viên cần lưu ý khi nhận lương trong năm nay.
Bảng lương viên chức giáo viên từ 1/1 đến 30/6
Thời điểm này, tiền lương viên chức vẫn tính theo quy định hiện hành (dựa trên lương cơ sở và hệ số lương).
Cụ thể, công thức tính tiền lương như sau:
Mức lương = Hệ số lương X Lương cơ sở
– Giáo viên mầm non hạng III, mã số V.07.02.26, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến 4,89;
– Giáo viên mầm non hạng II, mã số V.07.02.25, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến 4,98;
– Giáo viên mầm non hạng I, mã số V.07.02.24, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến 6,38.
– Giáo viên tiểu học hạng III, mã số V.07.03.29, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến 4,98;
– Giáo viên tiểu học hạng II, mã số V.07.03.28, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến 6,38;
– Giáo viên tiểu học hạng I, mã số V.07.03.27, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến 6,78.
– Giáo viên trung học cơ sở hạng III, mã số V.07.04.32, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến 4,98;
– Giáo viên trung học cơ sở hạng II, mã số V.07.04.31, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến 6,38;
– Giáo viên trung học cơ sở hạng I, mã số V.07.04.30, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,4 đến 6,78.
– Giáo viên trung học phổ thông hạng III, mã số V.07.05.15, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến 4,98;
– Giáo viên trung học phổ thông hạng II, mã số V.07.05.14, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến 6,38;
– Giáo viên trung học phổ thông hạng I, mã số V.07.05.13, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến 6,78.
Đối với giáo viên hợp đồng:
– Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng;
– Vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng;
– Vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng;
– Vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.
Bảng lương giáo viên sau ngày 1/7
Từ ngày 1/7 tới, khi thực hiện cải cách tiền lương mới, giáo viên là viên chức sẽ được xếp vào bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ: Đối với giáo viên khu vực công được xây dựng 1 bảng lương giáo viên chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc:
Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Tiền lương trung bình của viên chức là giáo viên (tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng) sau khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).
Ngoài 2 mốc thời gian quan trọng trên, riêng với giáo viên Hà Nội còn có thêm mốc thời gian sau khi thăng hạng. Theo Sở Nội vụ Hà Nội, viên chức trúng tuyển kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thuộc thành phố Hà Nội năm 2023 được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II và hưởng lương ở chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II kể từ ngày 1/2.
Thêm chính sách có lợi cho nhà giáo trong năm 2024
Từ năm 2024, nhiều chính sách giáo dục về lương, thưởng, chế độ có lợi cho nhà giáo sẽ được thực thi. Cụ thể tại Điều 23, Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” của Luật Thi đua, Khen thưởng, cá nhân được xét, đề nghị danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” là những người đạt các tiêu chuẩn “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”, tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm không còn là tiêu chí duy nhất khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Ngoài ra, cũng trong năm 2024, Bộ GDĐT tạo nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nhà giáo thống nhất khi xây dựng Luật Nhà giáo.
Hàng triệu giáo viên trên cả nước trông đợi xây dựng Luật Nhà giáo sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, hướng tới sự phát triển của đội ngũ giáo viên trước mắt và lâu dài.
Khoản phụ cấp nào tiếp tục được áp dụng từ 01/7/2024 đối với giáo viên khi cải cách tiền lương 2024?
Theo quy định tại tiểu mục 3.1 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 khi thực hiện cải cách tiền lương 2024 từ 01/7/2024 thì giáo viên tiếp tục được hưởng các khoản phụ cấp như sau:
+ Phụ cấp kiêm nhiệm;
+ Phụ cấp thâm niên vượt khung;
+ Phụ cấp khu vực;
+ Phụ cấp trách nhiệm công việc;
+ Phụ cấp lưu động.
+ Phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng đối với một số đối tượng viên chức theo Thông tư 07/2017/TT-BNV.
Chuyển trường khác, giáo viên được xếp lương thế nào?
Tại Điều 20 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định các nội dung liên quan đến hợp đồng làm việc như sau:
Các nội dung liên quan đến hợp đồng làm việc
1. Hợp đồng làm việc được ký kết bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp viên chức là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thì do cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập ký kết hợp đồng làm việc….
4. Trường hợp viên chức được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập khác thì không thực hiện việc tuyển dụng mới và không giải quyết chế độ thôi việc, nhưng phải ký kết hợp đồng làm việc mới với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời thực hiện chế độ tiền lương đối với viên chức phù hợp trên cơ sở căn cứ vào loại hình hợp đồng làm việc của viên chức đang được ký kết tại đơn vị sự nghiệp công lập trước khi chuyển công tác, năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của viên chức.Bên cạnh đó, tại điểm c khoản 3 Mục II Thông tư 79/2005/TT-BNV quy định về nguyên tắc xếp lương như sau:
Nguyên tắc xếp lương
…
3- Đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện xếp lương theo ngạch công chức, viên chức hoặc chức danh chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành Tòa án, Kiểm sát (sau đây gọi chung là ngạch công chức, viên chức)….
c) Khi thay đổi công việc hoặc chuyển công tác không được kết hợp nâng bậc lương hoặc nâng ngạch.
Trường hợp chuyển sang làm công việc mới không phù hợp với ngạch công chức, viên chức đang giữ thì phải chuyển ngạch.
Trường hợp luân chuyển theo yêu cầu nhiệm vụ đến làm công việc khác có mức lương thấp hơn thì được giữ ngạch, bậc lương đang hưởng (kể cả chế độ nâng bậc lương và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch công chức, viên chức đó).
Trường hợp chuyển công tác mà công việc mới phù hợp với ngạch đang giữ, thì cơ quan, đơn vị mới tiếp tục trả lương (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch đang giữ) theo giấy thôi trả lương của cơ quan, đơn vị cũ….
Theo quy định trên, khi chuyển công tác đến trường công khác thì giáo viên được thực hiện chế độ tiền lương đối phù hợp trên cơ sở căn cứ vào loại hình hợp đồng làm việc của viên chức đang được ký kết tại đơn vị sự nghiệp công lập trước khi chuyển công tác, năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của viên chức.
Nguồn: https://sohuutritue.net.vn/luong-giao-vien-nam-2024-co-2-moc-thoi-gian-can-luu-y-va-them-tin-vui-cho-hang-nghin-giao-vien-d33641.html