Nếu người thân qua đời thì trước hết mình nên thấy họ vẫn còn tồn tại trong từng tế bào của mình. Mình an lạc thì họ an lạc, mình hạnh phúc thì họ hạnh phúc. Mình báo hiếu bằng cách đó, chứ không phải đốt nhang thật nhiều, nấu xôi thật nhiều.
Làm thế nào để báo hiếu cha mẹ một cách thiết thực nhất?
Phật tử hỏi:
Thưa Thầy, Khi cha mẹ còn sống thì con chưa có cơ hội báo hiếu. Bây giờ, con phải làm gì để báo hiếu cha mẹ đã qua đời? Con có nên mời thầy về cầu siêu hoặc giải oan hay không ạ?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời:
Câu hỏi này là tiếng chuông chánh niệm rất lớn. Những ai còn cha, còn mẹ thì hãy tìm cách báo hiếu liền đi. Đừng đợi đến khi cha mẹ mất rồi thì mới hỏi câu này. Làm được gì để cha mẹ mỉm cười hạnh phúc, thì ta nên làm ngay hôm nay. Nếu nhìn thấy nỗi khổ niềm buồn đau trong cha mẹ, thì ta nên tìm cách giúp họ hóa giải. Ta có thể báo hiếu cha mẹ đã qua đời, nhưng vẫn không bằng báo hiếu khi cha mẹ còn sống.
Nếu ông bà, cha mẹ đã qua đời thì trước hết mình nên thấy họ vẫn còn tồn tại trong từng tế bào của mình. Mình an lạc thì họ an lạc, mình hạnh phúc thì họ hạnh phúc. Mình báo hiếu bằng cách đó, chứ không phải đốt nhang thật nhiều, nấu xôi thật nhiều.
Khi nở được nụ cười, mình đã chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau buồn trong lòng. Lúc đó mình có được niềm vui, tịnh lạc. Điều này có nghĩa là ông bà, cha mẹ mình cũng đang có niềm vui, có nụ cười, có tịnh lạc.
Tu tập đàng hoàng cũng là cách báo hiếu cha mẹ đã qua đời. Thầy có cảm tưởng rằng mình là người có hiếu. Có hiếu không phải vì thầy đem lại tiền bạc, danh lợi cho ông bà, cha mẹ, sư thầy. Có hiểu vì thầy đã cảm hóa được những nỗi khổ niềm buồn đau trong lòng mình. Mình hạnh phúc trong mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ thì ông bà, cha mẹ, sư thầy của mình cũng được hạnh phúc.