Mọi người ơi, đến thời điểm này, ai cũng biết là người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày liên tiếp dịp 30/4 và 1/5 rồi, có một ngày sẽ được hoán đổi để mọi người làm bù một ngày khác là xong. Còn với Giỗ Tổ Hùng Vương thì chỉ được nghỉ 1 ngày vào giữa tuần thôi nhé!
Tuy nhiên, có một bộ phận lớn những người phải đi làm thứ 7 thì lại không biết mình sẽ được nghỉ mấy ngày vào 30/4 và làm bù như thế nào.
Thông tin về vấn đề này mình đã thấy báo chính thống đăng tải rồi. Mình chia sẻ lại trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé. Đây sẽ là lịch nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 chính thức của những người phải đi làm thứ 7 như bình thường nè.
Người lao động được nghỉ 1 ngày dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, ảnh: DSd
Cụ thể, theo Bộ luật Lao động, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động 1 ngày dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10 tháng 3 Âm lịch).
Ngày Giỗ Tổ năm nay rơi vào thứ năm, 18/4, là ngày làm việc giữa tuần. Sau ngày nghỉ, thứ sáu, 19/4, người lao động cả nước đi làm lại bình thường.
Còn đối với dịp nghỉ lễ dài 30/4, cũng theo pháp luật về lao động dịp 30/4 và 1/5, người lao động được nghỉ mỗi ngày lễ 1 ngày. Năm 2024, ngày 30/4 rơi vào thứ ba và 1/5 rơi vào thứ tư.
Do đó, theo lịch thông thường, với đơn vị làm việc thứ bảy, doanh nghiệp sẽ chỉ được nghỉ hai ngày thứ ba và thứ tư và không được nghỉ bù vào các ngày khác.
Như vậy, lịch nghỉ 30/4-1/5 của doanh nghiệp làm thứ bảy sẽ thực hiện theo thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động mà không áp dụng lịch nghỉ vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức nhưng đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật, khuyến khích những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động.
Như vậy, nếu doanh nghiệp thực hiện nghỉ ngày thứ hai (29/4), người lao động sẽ được nghỉ liên tiếp 4 ngày từ chủ nhật (28/4) đến hết ngày thứ tư (1/5) và sắp xếp ngày làm bù thích hợp.
Người đi làm thứ 7 có thể được nghỉ liền 4 ngày trong dịp 30/4, ảnh: DSd
Trường hợp doanh nghiệp tổ chức làm xen kẽ 2 thứ bảy trong tháng và thực hiện nghỉ thứ hai như lịch hoán đổi đã được thông qua, người lao động có thể nghỉ liên tiếp 5 ngày, sắp xếp đi làm bù vào dịp thích hợp.
Nếu đơn vị không nghỉ ngày thứ hai, người lao động sẽ được nghỉ chủ nhật (28/4), thứ ba (30/4) và thứ tư (1/5). Ngày thứ hai, 29/4, đi làm bình thường.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, nhiều doanh nghiệp bố trí cho người lao động được nghỉ 4-5 ngày liên tiếp để có thời gian nghỉ lễ dài, có thể về quê thăm thân.
Nếu doanh nghiệp tổ chức nghỉ 4-5 ngày liên tiếp, trong 2 tuần cuối tháng 4, người lao động có thể nghỉ tổng cộng 6 ngày.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 1 Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn sử dụng người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết phải được sự đồng ý của người lao động (trừ một số trường hợp công ty được điều động làm thêm giờ mà không cần người lao động đồng ý quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019).
Hình ảnh một khu du lịch trong dịp nghỉ lễ năm trước, ảnh: DSd
Về mức lương làm thêm giờ, theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm thêm dịp lễ, tết vào ban ngày được trả ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày.
Tiền làm thêm của người lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, người lao động đi làm vào ngày nghỉ của dịp lễ, tết được trả số tiền lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Trường hợp người lao động làm việc vào ban đêm và làm thêm giờ vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương, 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Trong dịp nghỉ lễ, dù mọi người đi làm hay đi chơi thì cũng nên chú ý cẩn trọng về yếu tố an toàn. Nhu cầu du lịch và đi lại trong những ngày nghỉ rất đông nên có khả năng cao xảy ra những sự cố mà chúng ta không lường trước được.
Đặc biệt, khi đi đường phải luôn giữ được sự tỉnh táo và không sử dụng rượu bia khi lái xe. Trẻ em khi nghỉ lễ cùng bố mẹ cũng cần được phòng tránh an toàn để không gặp phải các sự cố như va chạm, ốm sốt, ngộ độc thực phẩm…
Chúc tất cả bà con có một kì nghỉ lễ vui vẻ, an toàn và ý nghĩa!
Nguồn: https://www.webtretho.com/f/chuyen-cuoc-song-4690/lich-nghi-le-gio-to-hung-vuong-va-304-15-danh-cho-nhung-nguoi-phai-di-lam-thu-7