Người Việt thường ăn bánh ú tro vào ngày Tết Đoan Ngọ? Dưới đây là một số gợi ý các món ăn ngày Tết mùng 5 tháng 5 mà mọi người nên biết.
Bất chấp dòng chảy của thời gian lẫn sự phát triển của nền văn minh khoa học, Tết Đoan Ngọ vẫn còn là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hoá của người Việt. Những cơn nắng chói chang của mùa hè có thể khiến người ta mệt lử nhưng các gia đình vẫn không quên sắm sửa, bày biện những lễ vật, những thức quà của mùa hè để đón Tết Đoan Ngọ.
Đoan Ngọ được cử hành hằng năm vào mùng 5 tháng 5 âm lịch. Không chỉ đất nước ta mà nhiều nước Á Đông khác cũng rộn ràng đón ngày Tết được dân gian gọi là “Tết giết sâu bọ”. Không chỉ có những hoạt động thú vị, phẩm vật dâng lên ngày Tết Đoan Ngọ cũng đầy màu sắc đặc trưng của sản vật địa phương. Hãy cùng dạo một vòng xem Tết Đoan Ngọ có những món ăn đặc sắc nào nhé.
Tết Đoan Ngọ là gì?
Tết Đoan Ngọ là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. Tùy từng vùng miền mà người ta gọi Tết Đoan Ngọ với những cái tên khác nhau như Tết Đoan Dương, Tết diệt sâu bọ…
Tết Đoan ngọ là một trong những ngày tết quan trọng của người Việt
Quan niệm của người xưa, Tết Đoan Ngọ là ngày mà hỏa khí trong trời đất tăng cao. Với nông nghiệp, đây là thời điểm sâu bọ nở rất nhiều gây hại cho cây trồng vì thế mà người ta sẽ tiến hành tiêu diệt những loại này. Một số loài sâu bọ còn có thể dùng làm thức ăn.
Tết Đoan Ngọ không chỉ có ở Việt Nam mà còn là ngày tết truyền thống của Trung Quốc, Nhật Bản hay Triều Tiên…
Người Việt ăn gì vào Tết Đoan Ngọ?
Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, cụ Nguyễn Văn Huyên có nói đến những món ăn người miền Bắc thường hay ăn vào Tết Đoan Ngọ như “hôm đó, người ta biếu nhau dưa hấu, đường và đỗ xanh…”. Có thể thấy, đây là những thực phẩm có tính mát, giải nhiệt trong mùa hè rất tốt. Tuy nhiên, dân ta còn có nhiều món ngon hơn thế vào ngày Tết Đoan Ngọ.
Mâm lễ dâng cúng gia tiên: Hoa quả (vải thiều, mận, xoài…), rượu nếp (nếp cái, nếp cẩm)
Những món cơ bản được thưởng thức trong ngày Đoan Ngọ thường là các vật phẩm dâng lên tổ tiên sau đó thực hiện nghi thức diệt sâu bọ. Hoa quả tươi là thứ không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ, đặc biệt là những quả đang rộ mùa, vừa ngon lại rẻ như vải thiều, mận, xoài… Những thức quả này có vị chua ngọt dịu dàng, rất thích hợp ăn để “diệt sâu bọ” trong ngày lễ.
Cũng trong mâm lễ dâng gia tiên này còn có rượu nếp – thứ sản vật đặc trưng của dân ta mỗi mùa Đoan Ngọ về. Nếp chín mùa, ủ với men rượu ngấu lên được ăn vào sáng ngày Đoan Ngọ, vị ngọt mát, cay cay của nếp cái, nếp cẩm lên men giúp làm dịu đi cái nắng hè gay gắt.
Chỉ cần một bát nhỏ, đặt kèm trong mâm lễ, tươm tất và ngon mắt biết bao. Điểm xuyết vào đó là vài chiếc bánh cốm hoặc bánh xu xê màu sắc rực rỡ.
Bánh gio, bánh ú
Một đặc trưng thường thấy trong Tết Đoan Ngọ đó là bánh gio mật mía. Thời nay, không phải cứ đến Tết Nguyên Đán mới thấy bánh chưng, cũng chẳng phải Tết Đoan Ngọ về mới có bánh gio, nhưng đến lễ diệt sâu bọ, bánh gio dường như có ý vị và tầm quan trọng hơn hẳn.
Bánh gio “công nghiệp” bây giờ làm nhanh lắm, việc ủ trong cũng có phần “cẩu thả” hơn nên vị bánh không được đậm đà, thơm thảo như xưa. Trong Vân Đài loại ngữ, bản do Phạm Vũ, Lê Hiền dịch và chú giải, xuất bản năm 1973, Lê Quý Đôn có nhắc đến quá trình làm bánh tro của dân ta: “Tục nước nhà, lấy cây vừng, cây sở và cây ba đậu tiêu, đốt ra tro; bỏ tro ấy vào vại, ngâm độ vài tháng, rồi lấy giấy lọc lấy nước trong, ngâm gạo một đêm, làm bánh gói bằng lá dong, tước lạt cho nhỏ, cuốn chặt, đem nấu; vị thơm mát. Nếu lúc nấu lại cho ít vỏ măng vào, thì sắc bánh hồng hồng, trong sạch, rất thích (tức là bánh tro)”.
Tuy vậy, cũng lắm nhà chuẩn bị tro ủ chu đáo để tạo nên chất lượng chiếc bánh gio ngon còn “giữ chân khách”. Ấy vậy mà vào ngày Tết Đoan Ngọ, không ít thì nhiều, ai cũng sẽ muốn nêm một miếng bánh gio trong vắt, gạo mềm, dẻo và quện, chấm với mật mía hoặc mạch nha, ăn ngọt vừa lại mát.
Ngoài bánh gio (bánh tro), một loại bánh khác cũng được dùng trong ngày Tết Đoan Ngọ là bánh ú nếp. Bánh ú không phổ biến ngoài miền Bắc, thứ bánh đầy đặn này thường được người miền Trung, miền Nam ăn nhiều hơn, đặc biệt là người Hoa tại TP HCM. Nói cách khác, đây là món bánh đặc trưng của người Trung Quốc, còn được gọi là bánh bá trạng.
Cơm rượu nếp cái hoa vàng
Nếu được hỏi Tết Đoan ngọ ăn gì thì chắc chắn không thể không nhắc tới cơm rượu nếp.
Món ăn này được làm từ nếp cái hoa vàng hoặc nếp cẩm. Hạt nếp tuyển chọn kỹ càng vừa căng tròn lại bóng mẩy.
Rượu nếp cái cay nồng, thơm ngọt
Người ta đem vo sạch gạo rồi nấu chín sau đỏ ủ men vài ngày sau đó đem ra thưởng thức. Cơm rượu nếp ngon có độ cay nồng, thơm ngọt vừa đủ. Thời gian ủ và thưởng thức cơm rượu phải chính xác như thế món ăn này mới không bị chua, cay khó ăn.
Theo quan niệm, Tết Đoan ngọ ăn cơm rượu nếp sẽ khiến cho vi khuẩn, sâu bọ trong cơ thể bị say, dễ tiêu diệt hơn.
Để làm cơm rượu nếp ngon chuẩn vị bạn cần có: Gạo nếp ngon (1kg), men rượu (1 túi).
Hướng dẫn cách làm rượu nếp ngon:
– Gạo nếp vo sạch rồi ngâm khoảng 1 tiếng để khi nấu gạo nở đều, hạt tròn ngon hơn.
– Cho gạo vào nồi, thêm nước rồi nấu chín. Chú ý, gạo nếp hút rất ít nước nên bạn cần cho nước ít hơn so với nấu cơm bình thường.
– Khi gạo chín, bạn xơi phần cơm nếp ra mâm sạch rồi chờ cho nguội thì rắc men vào. Dùng tay trộn đều hỗn hợp gạo men sau đó cho vào lá chuối khô gói lại rồi đặt vào nồi sứ đậy nắp kín.
– Với thời tiết mùa hè thì chỉ khoảng 3 – 5 ngày là cơm rượu nếp của bạn sẽ chín và có thể bỏ ra ăn.
Bằng cách làm cơm rượu nếp này, hạt cơm rượu sẽ cực kỳ căng mọng, thơm ngọt và rất ngấu men. Khi ăn vị hơi cay nồng, thơm thơm sẽ khiến bạn ăn mãi không muốn ngừng.
Chè kê
Ngày Tết Đoan Ngọ với người Huế chẳng thể nào thiếu được bát chè kê. Kê nấu chè, dẻo thơm, ngọt thanh giúp kéo cái nóng bức mùa hạ xuống, rất thanh đạm và dễ ăn. Kê thu hoạch từ tháng 4 âm lịch, tròn mẩy, vàng óng được xay tróc vỏ nhưng vẫn còn lớp cám mỏng bên ngoài. Tiếp đó, hạt kê được ngâm nước lạnh đến khi mềm thì mang đi nấu.
Chè kê được nấu với nước đường pha gừng, cách ăn cũng độc lạ không dùng thìa mà dùng bánh tráng vừng. Muốn món chè kê thanh mát hơn, cho thêm đậu xanh tách vỏ vào nấu cùng. Kê dẻo quánh, thơm ngan ngát mùi gừng kết hợp với bánh tráng giòn tan, ăn rất thích.
Món chè bình dị này cũng được biến tấu như nấu cháo, thêm cùng đậu phộng vào ăn cũng rất lạ miệng. Chè kê dân dã, là món quà bình dị trong ngày Tết Đoan Ngọ nhưng lại chứa nhiều dưỡng chất, có tác dụng bồi bổ khí huyết, ăn trong ngày này rất hợp.
Vải – mận
Trên mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ cũng không thể thiếu 2 trái cây quen thuộc trong tháng 5 là vải cùng mận.
Người xưa cho rằng, mận có tính nóng nên giúp diệt sâu bọ hiệu quả
Theo quan niệm của người Việt, vì vải và mận có tính nóng vì thế sau khi ăn rượu nếp, sâu bọ đã bị chuốc say thì việc ăn thêm vải mận sẽ giúp tiêu diệt chúng tận gốc.
Xôi chè
Xôi chè là cái tên tiếp theo góp mặt trong danh sách này. Người miền Bắc sẽ nấu chè đậu xanh, miền Trung là chè hạt sen, hạt kê còn người miền Nam lại lựa chọn chè trôi nước.
Chè đậu xanh là món lễ vật không thể thiếu trong mâm lễ cúng Tết Đoan ngọ của người miền Bắc
Những món chè ngon sẽ giúp cho mâm lễ vật ngày Tết Đoan ngọ thêm đủ đầy.
Cách nấu chè đậu xanh cúng Tết Đoan ngọ:
– Đậu xanh bóc vỏ đem vo sạch rồi ngâm khoảng 2 tiếng cho nở.
– Cho đậu xanh đã ngâm vào nồi rồi thêm nước ngập mặt đậu khoảng 1 lóng tay. Bật bếp đun sôi khoảng 20 phút thì thêm nước nóng vào và ninh chừng 15 phút.
– Bột sắn pha loãng rồi đổ từ từ vào nồi chè. Khuấy nhẹ nhàng cho nước chè sánh sệt không bị vón cục.
– Đun nước cốt dừa cùng đường cho tới khi sánh sệt thì thêm bột vani vào và tắt bếp.
– Múc chè đậu xanh ra bát, thêm nước cốt dừa lên trên là bạn đã có một bát chè dâng cúng ngày mùng 5 tháng 5 cực kỳ hoàn hảo rồi.
Sau khi dâng cúng gia tiên xong, gia chủ sẽ hạ mâm lễ cúng cho cả nhà thụ lộc.
Vừa rồi là một số gợi ý giúp bạn trả lời câu hỏi Tết Đoan ngọ ăn gì. Mong rằng, qua bài viết này bạn đã biết cách chuẩn bị một mâm lễ dâng cúng đủ đầy cho ngày Tết mùng 5 tháng 5 sắp tới của gia đình.