p thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở miền Trung, nhiều nhà dân ở Huế và Hà Tĩnh tốc mái, Đà Nẵng ngập nặng.
Theo VTCNews, trưa 18/9, trả lời PV Báo Điện tử VTC News, ông Phan Minh Việt – Chủ tịch UBND xã Phú Xuân (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) mặc dù áp thấp nhiệt đới chưa vào bờ nhưng tại địa phương này đang có mưa khá to và sáng 18/9 địa phương xảy ra trận lốc xoáy khiến 4 nhà dân bị tốc mái.
Theo báo cáo nhanh của UBND xã Phú Hồ (huyện Phú Vang), trận lốc xoáy xảy ra sáng cùng ngày khiến 7 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 1 hộ tốc mái hiên, 3 hộ bị tốc ngói nhà chính, 3 hộ tốc mái ngói nhà phụ. Vụ lốc xoáy cũng khiến một người dân ở xã Phú Hồ bị thương nhẹ.
Hiện chính quyền 2 xã Phú Xuân và Phú Hồ chỉ đạo các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã phụ trách từng khu dân cư phối hợp với lực lượng chức năng các thôn cùng gia đình bị ảnh hưởng thực hiện sửa chữa khắc phục hậu quả giúp nhân dân trước khi áp thấp nhiệt đới (khả năng cao sẽ hình thành bão số 4) đổ bộ.
Ghi nhận của PV VTC News, hiện nay nhiều khu vực ở Thừa Thiên – Huế có mưa, mưa vừa. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng mạnh lên thành bão số 4, từ ngày 19-21/9 ở tỉnh sẽ có mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Theo số liệu báo cáo mới nhất, trong tổng số 1.884 phương tiện tàu thuyền/10.685 lao động của tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến 7h ngày 18/9, chỉ còn 1 tàu cá/9 lao động đang hoạt động trên biển. Dự kiến đến 11h ngày 18/9, tàu cá này sẽ vào đến bờ.
Số tàu hàng đang neo đậu tại cảng Thuận An gồm 2 phương tiện/15 thuyền viên, số tàu hàng neo đậu tại cảng Chân Mây gồm 19 phương tiện/175 thuyền viên (15 tàu hàng Việt Nam, 4 tàu hàng nước ngoài). Số phương tiện tàu cá ngoại tỉnh vào neo đậu tại Thừa Thiên – Huế gồm 23 phương tiện/194 lao động.
Trước việc áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng mạnh lên thành bão số 4 và Thừa Thiên – Huế được cảnh báo nguy cơ cao trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, Chủ tịch UBND tỉnh này có công điện hỏa tốc yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, đoàn thể khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Tại Hà Tĩnh, lãnh đạo Công an xã Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên), sáng 18/9, địa phương này vừa xảy ra trận dông lốc khiến 4 nhà dân bị tốc mái. Những ngôi nhà bị tốc mái chủ yếu được lợp bằng ngói đỏ cũ và xây dựng từ lâu.
Hiện lực lượng chức năng đang phối hợp người dân khắc phục, giúp đỡ những hộ bị cơn lốc tàn phá. Trận dông lốc không gây thiệt hại về người.
Khoảng 1h cùng ngày, tại thôn Nam Sơn (xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cũng xảy ra lốc xoáy. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng trận lốc xoáy này đã làm tốc mái 2 nhà ở, hư hỏng hơn 10 mái che và công trình phụ của người dân.
Lãnh đạo huyện Lộc Hà và cấp ủy, chính quyền địa phương đã xuống kiểm tra hiện trường, đánh giá tình hình thiệt hại, động viên Nhân dân khắc phục hậu quả và huy động thêm lực lượng tại chỗ để hỗ trợ các gia đình sửa chữa lại các công trình bị hư hại, dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Tại Đà Nẵng, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ hôm qua đến sáng nay thành phố này có mưa lớn khiến nhiều tuyến phố ngập nước, giao thông hỗn loạn, phụ huynh bì bõm đưa con đến trường.
Ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, do mưa lớn kéo dài từ đêm 17 đến sáng 18/9, trong sáng 18/9, tại trung tâm TP Đà Nẵng, các tuyến đường như Nguyễn Văn Linh, Núi Thành, Nguyễn Tri Phương, Hàm Nghi, Quang Trung… ngập nước, nhiều phương tiện chết máy, lưu thông khó khăn.
Nhiều tuyến phố ngập nước lại đúng giờ cao điểm buổi sáng nên giao thông hỗn loạn, các tuyến đường xảy ra tắc nghẽn nhiều giờ.