Vụ việc đến hiện tại vẫn chưa có thêm thông tin mới, 20 đặc công đang lặn tìm du khách bị rơi xuống biển ở Ninh Thuận. Mong là sẽ có phép màu xảy ra, gần đây nhiều vụ việc thương tâm liên quan đến nước quá mọi người nhỉ.

Thông tin này đã được báo chí đăng tải rồi. Mình chia sẻ lại chi tiết trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!

Cụ thể, vào trưa ngày 21/9, nhóm bạn 4 người từ tỉnh Lâm Đồng đến Ninh Thuận đi du lịch. Cả nhóm rủ nhau tới khu vực biển Phước Dinh, huyện Thuận Nam tham quan, chụp ảnh. Khu vực này thường có sóng lớn đánh vào bờ đá, nhưng luôn thu hút nhiều người đến dã ngoại.

Trong lúc chụp ảnh lưu niệm, anh C.Đ.D. (25 tuổi) vô tình bị trượt chân rơi xuống biển, anh bị sóng cuốn mất tích. Ngay lúc này, các thành viên trong nhóm chia nhau tìm kiếm quanh khu vực anh D. gặp nạn nhưng không có dấu tích. Sau đó, nhóm bạn đã nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ.

hình ảnh

Hình ảnh bãi biển Phước Dinh ở tỉnh Ninh Thuận, nơi thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan, ảnh: VNN

Ngay khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng đã có phương án cứu hộ cứu nạn. Lực lượng Biên phòng cùng Lữ đoàn 5 Đặc công nước (đóng tại tỉnh Ninh Thuận) với 20 cán bộ chiến sĩ đã ngụp lặn, tìm kiếm nạn nhân.

Đặc điểm nhận dạng nạn nhân cao 1m50, nặng khoảng 60 kg, tóc đen cắt ngắn, có nuốt ruồi cách mép phải 1 cm, mặc áo màu xanh sọc trắng, quần ngắn màu đen.

Ông Nguyễn Tấn Lộc, chủ tịch UBND xã Phước Dinh, cho biết người dân và khách du lịch thường đến bãi Đá Trứng chụp ảnh.

Khu vực này có địa hình hiểm trở, thường xuyên có sóng lớn đánh vào bờ nên địa phương đã cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm.

hình ảnh

Yếu tố an toàn đặt lên hàng đầu khi đi du lịch, ảnh: DSD

Mời bà con đọc thêm thông tin hữu ích: Đi du lịch biển, đảo cần chú ý những điều này để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình

Từng cứu sống 4 người đuối nước ở bãi tắm xã Phước Tỉnh, H.Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đại úy Thái Ngô Hiếu, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai, khuyến cáo mọi người đi tắm biển tuyệt đối tránh những khu vực dòng chảy xa bờ (có màu nước sậm, mặt nước lặng, thường sóng nhỏ hơn so với xung quanh…). Những nơi này cực kỳ nguy hiểm, kéo người tắm ra xa bờ, gây kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy rồi chết đuối.

“Chỉ có người dân sống ở biển mới biết khu vực nào thường xuyên xuất hiện dòng chảy xa bờ, do đó trước khi đi tắm bạn cần hỏi và quan sát thật kỹ. Nếu không may bị cuốn vào dòng chảy xa bờ, hãy bình tĩnh, bơi song song với bờ biển, hướng đến chỗ có sóng bạc đầu và “nhờ” sóng đưa bạn vào bờ. Nếu bạn không thể bơi vào bờ biển và có dấu hiệu đuối sức thì hãy giơ tay lên ra hiệu trợ giúp…”, đại úy Hiếu nói. Đại úy Hiếu khuyến cáo thêm mọi người chỉ nên tắm biển ở những khu vực có biển báo an toàn, nơi đông người, có lực lượng cứu nạn cứu hộ…

hình ảnh

Lên kế hoạch cẩn thận trước khi du lịch biển, đảo, ảnh: dSD

Chị Nguyễn Trần Bảo Nhi, huấn luyện viên bộ môn bơi tại Trung tâm thể dục thể thao Q.10, TP.HCM, lưu ý cần phải khởi động cơ thể trước khi xuống biển để tránh bị chuột rút. Chỉ nên tắm trong khu vực được cho phép, không tự ý đi xa bờ. Trẻ em cần được trang bị áo phao phù hợp, có người lớn luôn đi kèm hoặc vui chơi trong tầm quan sát của người lớn. Người lớn không nên tắm biển khi đã uống rượu bia hoặc ăn quá no…

Hiện nay, không ít người trẻ chọn du lịch đến các đảo như: Phú Quý (Bình Thuận), Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc (tỉnh Cà Mau), Phú Quốc (Kiên Giang)… Tuy nhiên, cũng cần một số lưu ý để đảm bảo an toàn.

Thượng úy Trịnh Trung Hiếu, Bí thư Chi đoàn cơ sở Cục Cảnh sát giao thông phía nam, khuyên du khách chỉ sử dụng các phương tiện di chuyển ra đảo được cấp phép, tổ chức quản lý; tuyệt đối không thuê mướn, sử dụng phương tiện trôi nổi, không có đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm các điều kiện an toàn để di chuyển.

“Mọi người tuyệt đối chấp hành yêu cầu mặc áo phao khi tham gia giao thông trên đường thủy. Khi phương tiện đang trên hành trình, khách không được đùa giỡn hoặc tiếp cận các khu vực không được phép trên phương tiện để bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người. Trường hợp thời tiết không tốt, biển động thì nên hạn chế tham gia các hoạt động trên biển. Đặc biệt lưu ý các biển báo hướng dẫn khu vực cấm bơi, khu vực có sóng ngầm…”, thượng úy Hiếu lưu ý.

Ngoài ra, thượng úy Hiếu khuyên: “Trên đảo, một số hoạt động vui chơi, giải trí như sử dụng mô tô nước, dù lượn… thì phải tuyệt đối chấp hành và tuân theo hướng dẫn, không được tự ý tham gia. Mọi người khi đi du lịch ngoài đảo cũng cần cập nhật thông tin các lực lượng chức năng, cứu hộ tại các khu vực gần đảo và đảm bảo giữ liên lạc khi có tình huống khẩn cấp xảy ra”.

Nguồn: https://www.webtretho.com/f/chuyen-cuoc-song-4690/du-khach-25-tuoi-roi-xuong-bien-ninh-thuan-20-dac-cong-lan-tim-kiem