Vàng hiện là kênh đầu tư hấp dẫn. Do đó chuyện mua bán vàng cũng thu hút nhiều chú ý.
Báo Nhịp sống thị trườngngày 21/5 đưa thông tin với tiêu đề: Đem vàng đi bán sau 15 năm, cô gái ngỡ ngàng khi không được thu mua vì 1 lý do trời ơi đất hỡi. Với nội dung như sau:
Thời gian qua, câu chuyện mua bán vàng nhận được nhiều quan tâm sau khi giá vàng tăng cao và liên tiếp chạm đỉnh. Đơn cử mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện câu chuyện một vị khách đi bán vàng nhưng bị từ chối. Cô cũng chia sẻ thêm về kinh nghiệm mua bán kim loại quý này để mọi người tránh rơi vào tình huống “tiền mất tật mang”.
Cụ thể theo chủ nhân bài đăng, năm 2001, mẹ cô mua một bộ nữ trang từ tiệm vàng nhỏ ở Đà Nẵng. Đến khoảng năm 2016 – 2017, mẹ cô mang vàng đến tiệm này để bán lại thì phát hiện tiệm đã đóng cửa và sang mặt bằng. Sau đó, cô tìm thấy người chủ mới của tiệm là con cháu trong nhà. Khi đó, chủ mới kiên quyết không thu mua lại vàng từ cô gái.
Sau đó, cô phải chuyển sang bán vàng tại tiệm khác, của thế hệ lớn tuổi hơn trong gia đình chủ bán vàng thì mới thực hiện thành công giao dịch. Họ đồng ý mua lại vàng, đi kèm lời giải thích: Do người bán hàng kia còn trẻ, nên họ không biết đó là vàng mà gia đình bán từ đời trước.
Cô gái không bán được vàng vì chủ mới không nhận ra, vàng được bán từ tiệm nhà mình (Ảnh minh hoạ)
Cuối cùng, cô gái rút ra bài học: Nếu mua tích trữ, cô sẽ không bao giờ bao giờ mua 1 phân vàng từ tiệm nhỏ. Bởi sau bao năm, bạn sẽ không biết tiệm vàng đó còn hoạt động hoặc bán vàng hay không.
Khi mua vàng, cô ưu tiên tìm đến thương hiệu lớn, uy tín, từ đó giảm rủi ro cho người giữ vàng.
Lưu ý gì khi mua vàng để không “tiền mất tật mang”?
Từ trải nghiệm mua bán vàng của cô gái trên, nếu muốn mua bán loại tài sản này, dưới đây là những lưu ý mà bạn cần quan tâm trong quá trình mua vàng để giảm thiểu rủi ro và sinh lời cao nhất:
– Mua vàng ở đâu?
Thay vì thói quen mua bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ, không thương hiệu, bạn nên lựa chọn mua tại các cửa hàng được Nhà nước cấp phép để đảm bảo vàng mua đạt được chất lượng. Bạn tham khảo chọn mua vàng ở những thương hiệu uy tín, có giấy chứng nhận chất lượng và hoá đơn đầy đủ chẳng hạn ở PNJ, SJC, Doji và Bảo Tín Minh Châu.
Một nguyên tắc khác là mua vàng ở đâu thì nên bán vàng ở đó. Vì khi mua, bán vàng ở cùng một tiệm sẽ giúp các bước thẩm định hay xác định giá trị của từng loại vàng nhanh chóng hơn.
Ảnh minh hoạ
– Mua vàng thời điểm nào?
Việc mua vàng tại “đỉnh” đẩy rủi ro về phía người mua khi có sự chênh lệch rất lớn giữa giá trị thực của vàng trong nước và vàng thế giới, được hình thành bởi tâm lý đám đông của thị trường.
Cũng vì thế, bạn cần cân nhắc chuyện mua vàng ở các thời điểm thị trường biến động mạnh, đặc biệt là khi giá vàng trong nước tăng nóng so với giá vàng thế giới. Một nguyên tắc là thời điểm nhiều người đổ xô vào thị trường, giá vàng cũng sẽ tăng cao. Thay vào đó, bạn nên mua vàng khi giá bình ổn nhất.
– Xem xét đầu tư vàng trong dài hạn
Mặc dù trong ngắn hạn, giá vàng có nhiều biến động nhưng xét về dài hạn, vàng luôn duy trì gia tăng giá trị. Chính vì vậy, nếu bạn muốn giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa danh mục của mình thì nên cân nhắc phân bổ một phần tài sản vào vàng trong dài hạn, thay vì chỉ tập trung lợi nhuận ngắn hạn.
Các chuyên gia cho rằng đầu tư vàng thành công không chỉ là mua và nắm giữ. Nếu chú ý xem xét các yếu tố địa chính trị và theo dõi lãi suất thực tế, bạn có thể gia tăng cơ hội đạt được thành công trong dài hạn trên thị trường vàng.
Tiếp dến, báo Phụ nữ số cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Mượn tôi 2 lượng vàng, giờ chị dâu đem trả 85 triệu khiến tôi tức tái mặt
Nội dung được báo đưa như sau:
Tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như tác giả bài viết “Cho em gái vay 10 cây vàng, 10 năm sau em mang trả tiền bằng giá vàng 10 năm trước” nên muốn chia sẻ để mong nhận được lời khuyên.
4 năm trước, chị dâu mượn tôi 2 lượng vàng để xây nhà mới. Hồi đó, tôi đã dặn dò và chị cũng cam kết: mượn vàng sẽ trả vàng. Tôi rất sợ cảnh chị em trong nhà mâu thuẫn chỉ vì tiền bạc. Không ngờ, có ngày bản thân mình cũng rơi vào cảnh này.
Vốn dĩ, mối quan hệ giữa tôi và chị dâu khá thân thiết. Cùng làm dâu nhưng chị ấy không sống chung với bố mẹ chồng mà xây nhà ở riêng. Những khi rảnh rỗi hoặc buổi chiều nào không muốn nấu ăn, vợ chồng, con cái chị ấy sẽ kéo về nhà chồng ăn. Mà người nấu ăn, dọn dẹp lại chính là tôi. Nhiều lúc tôi cũng mệt nhưng lại nghĩ dù sao cũng là người một nhà, vợ chồng chị về ăn cơm tối thì bố mẹ cũng vui nên lại thôi.
Khi chị dâu xây nhà, vì dự tính không đúng nên bị thiếu hụt so với số tiền dự định ban đầu. Chị ấy than thở, tôi không ngần ngại lấy 2 lượng vàng, là toàn bộ tài sản mình tích cóp từ khi lấy chồng, đưa cho chị mượn. Chị cũng hứa là khi nào có tiền sẽ sắm vàng để dành, trả đủ cho tôi. Ngày chị tân gia, tôi mua tặng một cái máy giặt mới trị giá hơn 10 triệu đồng.
Chị dâu trả nợ mà tôi tức khủng khiếp. (Ảnh minh họa)
Nhưng 4 năm nay, vợ chồng chị mua xe mới, mua nội thất xịn xò trong nhà mà lại không chịu trả vàng cho tôi. Tuần trước, vợ chồng tôi cần tiền gấp để đặt cọc mua đất, sau đó mới rút tiền ngân hàng về để trả tiền đất sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng tên sổ đỏ. Tôi báo cho chị dâu, chị ấy tỏ thái độ khó chịu rồi nói bóng gió chuyện tôi có nhiều tiền mà vẫn nhớ nợ cũ.
Ngay tối hôm sau, chị ấy đem 85 triệu đến trả cho vợ chồng tôi. Nhìn số tiền trước mặt, tôi ngỡ ngàng. Chị ấy giải thích là hồi mượn tôi, chị bán 2 lượng vàng chỉ được 80 triệu, giờ chị trả lại tôi 85 triệu là tôi đã có lời rồi. Tôi bực mình bảo chị mượn vàng thì phải trả vàng, sao lại quy thành tiền? Chị dâu nói vàng lên cao quá, chị không trả nổi nên giờ trả tiền; nếu tôi không nhận thì thôi, cho chị khất lại thêm một thời gian, đợi vàng “về giá cũ như hồi chị mượn” thì chị sắm trả lại.
Vợ chồng tôi cay cú nhận lại tiền vì biết rằng nếu không lấy số tiền trên thì khả năng lấy nợ từ chị dâu càng khó khăn hơn. Biết khi nào vàng mới trở về với giá cũ? Nhưng từ lúc chị dâu trả nợ, tôi không sao ngủ được, lúc nào cũng thấy ấm ức khó chịu. Chẳng lẽ tình nghĩa chị em lại rạn nứt chỉ vì chuyện tiền nong hay sao?