Dù đã sang tháng 7 nhưng nhiều người vẫn gặp rắc rối không thể xác thực được sinh trắc học trên app ngân hàng. Thậm chí ngay cả khi ra phòng giao dịch, cũng có hiện tượng app ngân hàng liên tục báo lỗi khiến nhân viên tưu vấn cũng bó tay.
Vậy tại sao bạn lại không thể xác thực được sinh trắc học trên app ngân hàng và cách khắc phục thế nào là nhanh nhất. Thông tin này đã được báo chí chính thống đăng tải rồi, mình chia sẻ lại cụ thể trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!
Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, khách hàng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học khi thực hiện một số giao dịch ngân hàng trực tuyến từ ngày 1/7. Trong đó, khách hàng bắt buộc xác thực sinh trắc học khi thực hiện một số giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử của các ngân hàng như: chuyển tiền online trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng số tiền giao dịch từ 20 triệu đồng/ngày trở lên; kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số…
Các bước cài đặt xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng phổ biến bao gồm: Chụp hai mặt của Căn cước công dân (CCCD) gắn chip; đọc thông tin trên CCCD theo hướng dẫn và chụp ảnh khuôn mặt để hoàn tất cài đặt.
Tuy nhiên trong thực tế, quá trình cập nhật sinh trắc học trên app ngân hàng không hề đơn giản, nhiều khách hàng phàn nà vẫn gặp phải một số lỗi nhất định. Thậm chí, có những người bức xúc vì khâu cập nhật sinh trắc học vô cùng khó khăn, thao tác nhiều lần vẫn không thành gây mất thời gian.
Nhiều khách hàng loay hoay vì không thể xác thực được sinh trắc học trên app ngân hàng, ảnh: dSD
Ông Trần Thái Bình, Giám đốc Khối Ngân hàng số Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, trong quá trình cập nhật sinh trắc học, có thể khách hàng sẽ gặp một ít khó khăn liên quan đến việc đọc chip trên căn CCCD.
Cụ thể, một số thiết bị không hỗ trợ NFC dẫn đến việc ứng dụng ngân hàng không đọc được thông tin trong chip CCCD của khách hàng. Trong trường hợp này, khách hàng cần đến ngân hàng để đăng ký sinh trắc học.
Cũng theo ông Bình, việc tìm kiếm vị trí đọc NFC trên mỗi điện thoại, đặc biệt là điện thoại có hệ điều hành Android đang khiến nhiều người dùng khó khăn. Bởi các dòng điện thoại này đa dạng và phong phú, nên tùy vào từng hãng điện thoại sẽ có vị trí đọc NFC khác nhau.
Để khắc phục hạn chế này, Sacombank đã có hướng dẫn cụ thể trên màn hình ứng dụng cũng như các đoạn clip ngắn để thuận tiện nhất cho khách hàng. Một số trường hợp như khách lớn tuổi, khách hàng không có thiết bị hỗ trợ NFC hay trường hợp đặc biệt khác chỉ cần đem CCCD đến các điểm giao dịch sẽ được nhân viên hỗ trợ thực hiện.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết rằng việc lấy mẫu khuôn mặt có thể gây khó khăn khi khách hàng phải sử dụng điện thoại để đọc chip NFC trên CCCD. “Nếu khách hàng không tự thao tác được, TPBank có đa dạng kênh hỗ trợ, bao gồm quầy giao dịch truyền thống, LiveBank 24/7 với các tư vấn viên hỗ trợ hoặc có chuyên viên khách hàng đến tận nơi để chăm sóc và hỗ trợ,” ông Hưng nói.
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, việc triển khai có những khó khăn ban đầu nhưng quy định về cập nhật sinh trắc học với các khoản tiền giao dịch từ 10 triệu trở lên hoặc tổng 20 triệu trong ngày là hoàn toàn cần thiết để đảm bảo giữ an toàn tài sản cho người dân, tránh tình trạng “ngủ qua đêm dậy mất tiền”.
Vẫn còn trường hợp chuyển tiền bị lỗi sau khi xác thực khuôn mặt, ảnh: VNE
Cách khắc phục các lỗi trong quá trình xác thực sinh trắc học
Theo các chuyên gia công nghệ, vị trí thẻ đọc NFC trên các dòng điện thoại iOS mới nhất thường nằm ở mặt lưng, phần đầu, kế bên camera sau như: iPhone XR, XS, XS Max, 11, 11 Pro, 11 Pro Max, 12, 12 Mini, 12 Pro, 12 Pro Max, 13, 13 Mini, 13 Pro, 13 Pro Max, 14, 14 Max.
Vị trí thẻ đọc NFC trên điện thoại Android có thể khác nhau tùy theo từng hãng sản xuất và dòng máy cụ thể. Tuy nhiên, nó thường được đặt ở mặt lưng điện thoại. Đây là vị trí phổ biến nhất để đặt thẻ đọc NFC trên điện thoại Android. Trong khi đó, một số dòng điện thoại Android đặt thẻ đọc NFC dưới pin, thường được che bởi nắp lưng. Và một số ít điện thoại Android khác đặt thẻ đọc NFC bên cạnh cổng sạc.
Theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Hồng Phúc, cách giải là bật “Chế độ máy bay” trên điện thoại iPhone để tắt hết các loại sóng không cần thiết sau đó bật NFC trên điện thoại, hướng phần đầu điện thoại vào sát chip gắn trên thẻ CCCD sẽ thành công.
Bên cạnh lỗi về điện thoại, nhiều trường hợp khó cập nhật sinh trắc học còn liên quan tới chip trên thẻ CCCD, có thể bị bẩn hoặc hư hỏng.
Để hỗ trợ khách hàng khắc phục việc thực hiện sinh trắc học cho giao dịch ngân hàng trực tuyến trên điện thoại, các chuyên gia đưa ra một số giải pháp sau:
– Vệ sinh điện thoại: Vết bẩn, bụi bẩn trên camera hoặc cảm biến vân tay có thể khiến việc nhận diện gặp khó khăn. Hãy sử dụng khăn mềm và khô để vệ sinh điện thoại một cách nhẹ nhàng.
– Khởi động lại ứng dụng ngân hàng: Đây là bước đơn giản đầu tiên cần thực hiện khi gặp trục trặc với xác thực sinh trắc học. Việc khởi động lại ứng dụng có thể giúp giải quyết các lỗi tạm thời ảnh hưởng đến tính năng này.
– Đảm bảo điều kiện ánh sáng và vị trí: Ánh sáng xung quanh cần đủ sáng để camera có thể ghi nhận rõ ràng khuôn mặt hoặc vân tay của khách hàng. Hãy đặt điện thoại ở vị trí có ánh sáng tốt và khuôn mặt/ngón tay được đặt chính giữa khung hình, tránh để gương hoặc các vật thể che khuất.
– Cập nhật ứng dụng ngân hàng: Việc cập nhật ứng dụng ngân hàng lên phiên bản mới nhất giúp đảm bảo các tính năng bảo mật được tối ưu hóa, hạn chế tối đa các lỗi phát sinh. Khách hàng có thể cập nhật ứng dụng thông qua App Store hoặc Google Play.
– Khởi động lại điện thoại: Khởi động lại điện thoại là thao tác đơn giản nhưng hiệu quả trong việc giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật, bao gồm cả các lỗi liên quan đến xác thực sinh trắc học.
– Liên hệ bộ phận hỗ trợ khách hàng của ngân hàng: Với các giải pháp trên, khách hàng đã thử tất cả mà vẫn không thể thực hiện giao dịch, khách hàng có thể liên hệ bộ phận hỗ trợ khách hàng của ngân hàng để được tư vấn và hỗ trợ thêm.
Nguồn: https://www.webtretho.com/f/goc-chia-se-thong-tin/li-do-pho-bien-khien-ban-khong-the-xac-thuc-sinh-trac-hoc-tren-app-ngan-hang-khac-phuc-cach-nay-la-xong-luon