Đây là quy định rõ ràng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và đã được đăng tải trên báo chính thống đăng tải rồi. Hy vọng các trường đều thực hiện đúng để đảm bảo chất lượng dạy và học, nhất là đối với các em học sinh lớp 1,2 còn đang cần sự dìu dắt sát sao từng li từng tí của thầy cô.
Cụ thể, theo thông tin đăng tải trên báo chí, theo Bộ GD&ĐT, năm học trước, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn xảy ra hiện tượng quá tải sĩ số, có nơi xếp gần 50 em/lớp học, điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.
Do vậy, để ngăn tình trạng vượt quá sĩ số/lớp, Bộ GD&ĐT vừa có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 đối với bậc tiểu học.
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu. Đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên đủ dạy các môn học, hoạt động giáo dục.
Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể, các nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/ tuần với 32 tiết/tuần. Kế hoạch phải đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ.
Lớp quá đông học sinh gây ảnh hưởng chất lượng dạy và học, ảnh minh họa, nguồn: DSD
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường sắp xếp thời khóa biểu khoa học, đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương duy trì vệ sinh môi trường trong trường học, có phương án bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý.
Trước thềm năm học, các cơ sở giáo dục phải kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng các công trình trường học, không đưa vào sử dụng trường, lớp đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn.
Khi dạy học tự chọn Ngoại ngữ 1 (Anh, Pháp, Trung, Nga, Nhật, Hàn, Đức) đối với lớp 1 và 2, các trường cần bảo đảm tính liên thông. Thời lượng dạy học phù hợp để không gây quá tải cho học sinh.
Đối với lớp 3, 4, 5, môn Ngoại ngữ 1 là bắt buộc. Các trường dùng hệ thống học liệu tiếng Anh trên máy tính và trực tuyến cấp tiểu học nhằm bảo đảm chất lượng, thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Về việc kiểm tra, đánh giá học sinh, phương pháp, hình thức đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh. Việc thực hiện khen thưởng cần thực chất, đúng quy định, không khen tràn lan, gây bức xúc cho cha mẹ học sinh.
Bộ GD&ĐT khích lệ các địa phương có điều kiện triển khai chương trình giáo dục tích hợp, áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học.
Tuy nhiên, các sở giáo dục và đào tạo cần rà soát điều kiện đảm bảo triển khai liên kết giáo dục và chương trình giáo dục tích hợp theo quy định. Tránh tình trạng cơ sở giáo dục thực hiện liên kết với tổ chức nước ngoài chưa đảm bảo điều kiện.
Ngoài ra, các tỉnh, thành cần triển khai đại trà giáo dục STEM đến tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo bộ, đây là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với những ứng dụng của chúng trong thực tiễn. Học sinh được tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra.
Đối với kế hoạch dạy học, Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học, bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh; Chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp và đảm bảo cơ sở vật chất; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học cũng như thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đảm bảo chất lượng dạy học các môn.
Bộ GD&ĐT cũng đồng thời yêu cầu tiếp tục thanh, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn.
Với các hoạt động ngoài giờ học chính thức, theo Bộ GD&ĐT đó là các hoạt động theo nhu cầu, sở thích của học sinh. Các hoạt động này phải được tổ chức sau giờ học chính thức cho đến thời điểm học sinh được cha mẹ đón về nhà.
Căn cứ nhu cầu, sở thích của học sinh, có thể tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ hoặc sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường như: thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng… tạo điều kiện để học sinh vui chơi, giải trí. Việc tổ chức hoạt động sau giờ học chính thức trong ngày dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ cần được cấp có thẩm quyền phê duyệt.