Trong tâm thức người Việt, đêm Giao thừa là đêm cuối cùng của năm cũ, là thời khắc đặc biệt để tiễn năm cũ và đón năm mới.
Ý nghĩa đêm giao thừa
Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa ngày cuối cùng của năm cũ sang ngày đầu tiên của năm mới. Về nguồn gốc, “giao thừa”, có nghĩa là “Cũ giao lại, mới tiếp lấy – lúc năm cũ qua, năm mới đến”.
Thời điểm đón năm mới đến, nhiều quốc gia phương Tây (Tết Dương lịch) và phương Đông (Tết Âm lịch) thường tổ chức lễ bắn pháo hoa hoặc các lễ hội khác để đón mừng năm mới vào đúng thời điểm 0 giờ 0 phút của năm mới
Với người Việt Nam, đêm giao thừa là phút giây đặc biệt thiêng liêng. Đêm 30 Tết, hay còn gọi là đêm trừ tịch, được coi là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành và tiễn trừ năm cũ.
Những việc nên làm trước đêm Giao thừa
– Theo quan niệm phong thủy, vào khoảnh khắc đón năm mới, tất cả các cửa sổ và cửa ra vào của gia đình nên được rộng mở. Điều này có nghĩa xua đuổi những điều tiêu cực ra khỏi nhà và đón nhận điều may mắn, tốt đẹp đến với gia chủ.
– Đặt chổi ra ngoài vào đúng thời khắc giao thừa biểu thị những năng lượng tiêu cực, những điều xui xẻo sẽ bị xua đuổi ra khỏi nhà.
– Đồ dùng trong nhà nếu có gì hỏng hóc hoặc sứt mẻ nên sửa chữa hoặc bỏ đi thay mới trước khi đón giao thừa để có năm mới thật may mắn, trọn vẹn.
– Mặc quần áo mới sáng màu, mặc quần áo màu đỏ vào thời khắc Giao thừa mang ý nghĩa năm mới cái gì cũng mới. Đặc biệt hơn là mặc quần áo màu đỏ vì màu đỏ mang ý nghĩa may mắn, phát tài, phát lộc.
– Luôn giữ tiền trong túi vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới mang ý nghĩa rằng bạn luôn duy trì dòng chảy của tiền trong suốt cả năm.
– Trước và sau đêm Giao thừa không nên gây gổ, tranh cãi, mắng trẻ con hay cãi vã trong gia đình vì lời mắng không chỉ làm tổn thương hòa khí mà còn đuổi đi tài lộc, đem đến sự đen đủi cho gia đình.
Những việc nên làm sau thời khắc giao thừa
– Thắp hương đầu năm cầu bình an. Việc thắp hương cầu may đầu mùng 1 cũng trở thành nét đẹp tâm linh mỗi dịp xuân về. Đầu năm đầu tháng, các gia đình thường thắp hương ông bà, tổ tiên và cùng nhau đi viếng chùa, lễ Phật hoặc đến những nơi linh thiêng gửi gắm mong muốn một năm thuận lợi, an lành.
Mâm cỗ cúng tổ tiên ngày têt. Ảnh: T.L
– Ăn món ăn có màu đỏ. Thường để may mắn nguyên năm dân gian quan niệm ngày mùng 1 âm lịch nên ăn món ăn có màu đỏ như chè đậu đỏ, xôi gấc, dưa hấu,… cho nhiều may mắn, tài lộc trong cả năm. Bời vì dân gian cho rằng, màu đỏ là màu may mắn, phát tài nên ăn vào những món mang màu đỏ sẽ vạn sự như ý.
– Tránh đổ vỡ. Đầu mùng 1, một trong những điều bạn nên tránh là không làm vỡ đồ vào ngày này. Bởi vì quan niệm dân gian cho rằng bạn làm vỡ bất kỳ đồ vật gì thì năm đó bạn sẽ gặp vận xui, gia đạo không hòa thuận, công việc không thuận.
– Dân gian có câu “cái răng cái tóc là gốc con người” nói lên tầm quan trọng của hai bộ phận trên, vì vậy bạn không nên cắt tóc sau Tết, đặc biệt là mùng 1. Vì theo tướng học, tóc là bộ phận nhạy cảm ảnh hưởng đến đường tài lộc, vận may của bản thân, nên cắt tóc là cắt đi vận tài của chính mình. Do đó, thường người ta nên kiêng cắt tóc sau đêm Giao thừa.
Nguồn: https://sohuutritue.net.vn/nen-lam-gi-truoc-va-sau-dem-giao-thua-de-may-man-ca-nam-d206012.html