Hai Bà Trưng (? – 43) là từ để gọi cặp chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị. Họ là biểu tượng vĩnh cửu của phụ nữ Việt Nam. Họ được đánh giá là anh hùng dân tộc, người đã khởi binh chống lại nhà Đông Hán, lập ra quốc gia mới, tự xưng là Nữ vương. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trưng Trắc được xem là một vị vua trong lịch sử Việt Nam với tên gọi Trưng Nữ Vương.
Dù là nhân vật lịch sử quen thuộc, nhưng không phải ai cũng biết một sự thật thú vị về họ của Hai Bà Trưng. Không ít người nghĩ rằng, hai bà gọi là Trưng Trắc và Trưng Nhị thì nhiều khả năng mang họ “Trưng”.
Năm 2019, câu hỏi về họ Hai Bà Trưng từng gây sốt mạng xã hội khi xuất hiện trong chương trình “Confetti Vietnam”. Đáp án đúng chương trình đưa ra là họ “Lạc”. Theo lời giải thích của MC Nguyên Khang, Trưng Trắc và Trưng Nhị vốn là dòng dõi Lạc tướng ở Mê Linh, sau mới đổi sang họ Trưng. Quan điểm này dựa trên ghi chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư”.
Thực tế thì xét theo lịch sử, cả hai quan điểm trên đều không chính xác. Các sử gia hiện đại khẳng định, vào đầu Công Nguyên, Việt Nam vẫn chưa có họ. PGS.TS Phạm Quốc Sử – nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội từng chia sẻ với báo Giáo Dục Việt Nam như sau: “Năm 40 đầu thế kỷ nước chúng ta chưa có đặt họ mà con cái theo dòng mẹ, dòng ngoại. Cho nên Hai Bà Trưng theo họ Hùng bởi Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị vốn là dòng vua Hùng”.
PGS.TS Phạm Quốc Sử phân tích thêm, lúc bấy giờ nước ta theo dòng vua Hùng, chế độ mẫu hệ vẫn được đề cao nên con cái thường theo dòng bên ngoại, còn dòng phụ hệ chưa rõ.Vì vậy có thể tạm coi Hai Bà Trưng mang họ “Hùng”.
Ngoài ra, cũng theo ông Phạm Quốc Sử, Hai Bà Trưng vốn không phải tên là Trưng. Xưa kia từ Trưng vốn là từ “trứng” mà ra. Trưng Trắc, Trưng Nhị ý chỉ loại trứng tốt nhất và trứng tốt nhì. Theo sách “Danh tướng Việt Nam” thì tên hai vị nữ vương này vốn là Trứng Chắc và Trứng Nhì, phiên theo tiếng Hán gọi là Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Còn theo PGS Nguyễn Khắc Thuần, người Việt nói chung, Hai Bà Trưng nói riêng khi đó chưa có họ. Tương tự, mẹ hai bà được cho có tên là Trần Thị Đoan, thực chất đây là cái tên thần phả đặt sau này (vào khoảng thế kỷ 17, 18). Thi Sách được xác định tên là Thi dựa trên một số tư liệu Trung Quốc. Còn cái tên Man Thiện vốn chỉ “người Man tốt”, có thể do người Hán gọi.
Nguồn : https://danviet.vn/su-that-kho-tin-ve-ho-that-cua-hai-ba-trung-20240414143540866.htm