Bãi bồi nơi các học sinh gặp nạn là khu vực dân cư thưa thớt, từng nhiều lần xảy ra sụt lún.
Ngày 20/11/2024, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Xót xa vụ 5 học sinh tử vong thương tâm: ‘Cát sụt khiến các em hoảng loạn, rồi kéo nhau xuống’”. Nội dung cụ thể như sau:
“Các em sa vào mỏm cát yếu, cộng với dòng xoáy ngầm” dẫn đến tai nạn thương tâm
Vào khoảng 16h ngày 18/11, 10 em học sinh Trường THCS Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) rủ nhau ra bãi sông Hồng thuộc khu 1, xã Hiền Quan chơi. Trong thời gian này, 6 em (gồm 3 trai, 3 gái) bị đuối nước khiến 5 em mất tích, 1 em được cứu.
Công an tỉnh Phú Thọ đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng các trang thiết bị cứu nạn cứu hộ hiện đại, nhanh chóng tiếp cận hiện trường, xuyên đêm tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Đến khoảng 10h ngày 20/11, sau gần 40 tiếng nỗ lực, các lực lượng cứu nạn cứu hộ đã tìm thấy toàn bộ thi thể 5 nạn nhân.
Tất cả các nạn nhân vụ đuối nước thương tâm đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Qua khảo sát, đại tá Nguyễn Đình Cương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ, cho hay vị trí các em gặp nạn có nhiều mỏm cát phía dưới rất yếu. “Các em không may sa vào mỏm cát yếu, cộng với dòng xoáy ngầm làm cát sụt xuống khiến hoảng loạn, rồi kéo nhau xuống”, ông Cương thông tin với tờ VnExpress.
Sau tai nạn, người dân mong muốn chính quyền cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở khu vực bãi bồi này.
Nam sinh duy nhất thoát nạn kể lại thời điểm xảy ra vụ việc
Em Q.H. là nam sinh duy nhất sống sót trong nhóm học sinh đuối nước.
Thuật lại lời con trai, anh Tiến kể với phóng viên tờ Dân trí, cuối giờ chiều 18/11, nhóm 10 học sinh rủ nhau đi xe đạp, xe đạp điện đến chơi ở bãi bồi khu 1, xã Hiền Quan. Đến nơi, cả nhóm để xe ở sân miếu nhỏ cách đó vài trăm mét rồi đi ngược lên trên theo rìa bãi.
Hiện trường tìm kiếm các nạn nhân sáng 20/11.
Trong số 10 học sinh, 4 em không biết bơi nên ở trên bờ. 6 em còn lại đi cách nhau 5-10m, lần lượt lội qua khu vực bãi bồi. Đây là bãi cát rộng hàng chục hecta, địa hình lòng sông nhiều đoạn xoáy, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Lúc sau, một mỏm cát bất ngờ bị sụt khiến học sinh đi đầu tiên bị trượt chân, em đi thứ 2 thấy vậy chạy lại cứu bạn cũng trượt theo. Cứ như vậy, các em học sinh tiếp theo đều gặp nạn và bị nước xoáy cuốn ra xa bờ.
Thời điểm đó, em Q.H. đứng cuối hàng, may mắn không bị trượt chân. Nam sinh biết bơi nên đã vội đến cứu các bạn.
Em bơi ngược lên bãi bồi, đưa được nữ sinh Trần Mỹ D. đến cách bờ khoảng 3m thì sóng nước làm chới với, cát và bãi bồi dốc đứng. D. không có chỗ bám, trong khi H. dần đuối sức, chỉ kịp nhoài nửa người lên bờ rồi ngất xỉu. Trên cổ nam sinh vẫn còn vết cào dài do em D. túm trượt.
Theo anh Tiến, sau khi được cấp cứu, H. ám ảnh vì “đã cứu được nhưng không kịp đưa bạn lên bờ”.
Tiếp đó, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “5 học sinh đuối nước ở Phú Thọ: Cách vài trăm mét lại có một đám tang”. Nội dung cụ thể như sau:
Tang thương bao trùm
Dọc trục đường chính của khu 11 và 12 xã Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) mấy ngày nay đông người dân qua lại, tiếng loa kèn đám ma vang lên khắp nơi. Sau một đêm, hai khu dân cư này mất đi cùng lúc 4 đứa trẻ chỉ mới 13 tuổi.
Gia đình hai em Trần Mỹ Duyên và Hà Thị Thu Lan sống tại khu 12, cách nhau một ngã ba. Trong khi đó, gia đình em Lê Anh Dũng và em Hà Tiến Dương sống tại khu 11, băng qua một ngã tư là đến nhà nhau. Nạn nhân thứ 5 là em Bùi Kiều Lan Anh, nhà ở khu 2, cách 2 khu nói trên khoảng 1,5km.
Bốn đứa trẻ chơi thân với nhau từ nhỏ và là những học sinh giỏi của lớp 8B, trường THCS Hiền Quan.
Gia đình 4 em học sinh sống cách nhau chỉ vài trăm mét (Đồ họa: Nguyễn Hải).
Sau khi hỗ trợ gia đình ông Trần Văn Mạnh tổ chức tang lễ cho con gái Trần Mỹ Duyên ở nghĩa trang, bà Trần Thị Vân (Trưởng khu 12) lại tất bật điều phối đơn vị tang lễ đưa trống và xe tang sang nhà em Hà Thị Thu Lan.
“Hai ngày qua, người dân chia nhau đến từng gia đình chia buồn, giúp đỡ tổ chức tang lễ. Chúng tôi phải mượn một số trang thiết bị như xe tang, phông màn, trống… vì không đủ cho đám tang của cả 4 cháu”, bà Vân đau xót nói.
Từ chiều 18/11, khi nghe tin nhóm 5 học sinh mất tích trên sông Hồng, người dân 2 khu dân cư đều vô cùng sốc, đau xót. Họ bỏ công bỏ việc, cùng gia đình nạn nhân ngóng tin từ lực lượng chức năng, hỏi han từng nhà “đã tìm thấy các cháu chưa?”. Nhiều người thay phiên nhau đi dọc sông Hồng, dìu người nhà tìm kiếm các nạn nhân.
Trong lúc gia đình đau buồn, bà con trong xóm thay nhau người góp công, người góp sức vì tình làng nghĩa xóm. Chưa bao giờ xóm nhỏ bình yên của họ chứng kiến nỗi tang thương bao trùm đến thế!
Bà Trần Thị Vân (ngoài cùng bên phải) hỗ trợ gia đình các nạn nhân tổ chức tang lễ, chiều 20/11 (Ảnh: Nguyễn Hải).
Nhớ lại cuộc điện thoại báo tin dữ, bà Vân đang trên đường từ UBND xã Hiền Quan về nhà, tay run đến mức không thể mở khóa cửa. Bà kể lúc đó mưa bão bất ngờ ập đến nên vội mặc bộ áo mưa nhanh chóng ra hiện trường.
Cơn mưa kéo dài 15-20 phút rồi dừng hẳn, cũng là lúc ánh đèn từ các xuồng, ca nô của lực lượng chức năng tỏa ra nhiều phía dọc sông Hồng.
“Đến sáng 20/11, công tác tìm kiếm hoàn tất, các gia đình cùng tổ chức tang lễ cho các cháu. Chúng tôi quá đau xót vì các cháu đều là học sinh giỏi, còn cả tương lai phía trước”, bà Vân nói.
Bà Lê Thị Quý, người dân khu 12, xót xa chứng kiến bố mẹ các cháu “ngất lên ngất xuống” khi đón thi thể các con về nhà.
“Chưa bao giờ, tiếng trống kèn đám tang ám ảnh như lúc này, kéo dài từ đầu ngõ đến cuối ngõ”, bà Quý nói.
Ông Trần Văn Mạnh, bố cháu Duyên, vốn đi làm xa. Ngày con gái gặp nạn, ông vội bắt xe ôm ra cao tốc rồi đi taxi, nóng ruột “đón” con gái về nhà. Duyên là nạn nhân đầu tiên được tìm thấy vào chiều tối 18/11.
Trong khi đó, vợ ông Mạnh không thể vượt qua cú sốc mất con, chỉ nằm gục trong phòng. Bà khóc than Duyên là đứa trẻ chăm chỉ, biết chăm lo nhà cửa, đỡ đần cha mẹ, không ngờ lại đột ngột ra đi.
Vợ chồng ông Mạnh kết hôn muộn, sinh được hai người con. Duyên là con thứ hai, trên em còn anh trai 19 tuổi đi làm xa ít khi về nhà.
Cảnh báo không ra bãi bồi sông Hồng
Trước đó, khoảng 16h ngày 18/11, nhóm học sinh trường THCS Hiền Quan rủ nhau ra bãi sông Hồng thuộc khu 1 (xã Hiền Quan) vui chơi.
Trong số 10 học sinh, 4 em không biết bơi nên ở trên bờ. 6 em còn lại đi cách nhau 5-10m, lần lượt lội qua khu vực bãi bồi. Đây là bãi cát rộng hàng chục hecta, địa hình lòng sông nhiều đoạn xoáy, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Lúc sau, một mỏm cát bất ngờ bị sụt khiến học sinh đi đầu tiên bị trượt chân, em đi thứ hai thấy vậy chạy lại cứu bạn cũng trượt theo. Cứ như vậy, 5 học sinh đều gặp nạn và bị nước xoáy cuốn ra xa bờ. Một học sinh biết bơi nên thoát nạn, sức khỏe đã ổn định.
Từ khu dân cư 11 và 12 của xã Hiền Quan (vùng khoanh đỏ) ra đến bãi bồi sông Hồng chỉ khoảng 1km (Đồ họa: Nguyễn Hải).
Ông Lê Trung Huyên, Chủ tịch UBND xã Hiền Quan, cho biết địa phương đã tổ chức thăm viếng, hỗ trợ trước mắt mỗi gia đình học sinh 2 triệu đồng. Đồng thời, chính quyền đứng ra lo toàn bộ chi phí tìm kiếm, trục vớt các nạn nhân.
“Chúng tôi thường xuyên cảnh báo người dân không ra bãi bồi sông Hồng vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Địa phương từng xảy ra một số vụ việc đuối nước thương tâm, nhưng chưa bao giờ có sự việc nào nghiêm trọng như lần này”, ông Huyên chia sẻ.